Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác xử lý như thế nào?
14:40 01/08/2019
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác...Bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi của người quản lý và gửi ra công an khu vực...hành vi của người đó có thể bị...
- Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác xử lý như thế nào?
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm
- Tin tức tổng hợp
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
HÀNH VI XÚC PHẠM DANH DỰ, NHÂN PHẨM NGƯỜI KHÁC XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Câu hỏi của bạn:
Chào luật sư, luật sư cho em hỏi chút ạ. Mẹ em là người khiếm thị hiện tại đang làm việc massage tại tỉnh hội Thừa thiên Huế. Trong hội có anh quản lý lấy em gái của chị tên Trâm làm trong hội người mù làm vợ, 2 chị em đó cũng làm nhân viên như mẹ em. Vì ganh ghét mẹ em làm massage tốt, khách yêu cầu mẹ em làm ngày càng nhiều nên 2 chị đó với anh quản lý rất ghét mẹ em. Anh quản lý lợi dụng chức quyền không chia ca công bằng cho mẹ em, lại còn lúc nào cũng chửi rủa, dùng những lời nói thô tục, gây áp lực cho mẹ em khi mẹ em làm ở đó. Vì mẹ phải nuôi cả gia đình 6 người rồi tiền ăn học của mấy đứa nên đành cắn răng chịu đựng từng ngày. Rồi anh quản lý theo dõi em với mẹ em nhiều lần từ hội về nhà làm em thấy sợ và thấy khó chịu lắm ạ. Do trước đó báo ca trên facebook thì người mù bấm nhầm là chuyện bình thường, sau đó mẹ em cũng nộp sổ ghi ca báo lại rồi. Thế mà anh ấy chửi mẹ em xối xả, lúc đó có mặt em đó em có nói người mù lên ca bấm nhầm là chuyện bình thường có cần phải chửi như vậy không thì anh ấy cũng dùng lời lẽ thô tục xúc phạm em. Xúc phạm em thì được không sao nhưng mà xúc phạm mẹ em như thế em không chấp nhận được ạ. Dù sao anh quản lý nhỏ tuổi hơn mẹ em mà xúc phạm kiểu tra tấn tinh thần người khác từng ngày từng tháng từng năm như thế không thể chấp nhận được ạ. Mong luật sư tư vấn em nên làm gì ạ?
Câu trả lời:
Chào bạn! Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến phòng tư vấn pháp luật qua email – Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015
- Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trât tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Nội dung tư vấn: Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác xử lý như thế nào?
- Xử lý hình sự
Theo thông tin bạn cung cấp thì hành vi của người quản lý có dấu hiệu cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự: "1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm."
Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… Việc đánh giá mức độ xúc phạm có nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, uy tín của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc trong xã hội, dư luận xã hội,… Nếu chỉ là những lời lẽ hành động có tính chất thiếu văn hóa như chửi rủa nhau ở đám đông, hoặc trong quán nhậu cãi nhau rồi hắt bia, rượu vào mặt nhau thì không phải là tội phạm, mà tùy trường hợp có thể bị xử phạt hành chính.
Trong trường hợp của bạn, người quản lý thường xuyên có hành vi chửi rủa, dùng những lời nói thô tục, gây áp lực cho mẹ bạn, ảnh hưởng đến đời sống cũng như tâm lý. Do đó có dấu hiệu cấu thành tội làm nhục người khác. Bạn có thể trình báo cơ quan công an để điều tra làm rõ.
2. Xử lý hành chính
Bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi của người quản lý và gửi ra công an khu vực, nếu đủ cơ sở chứng minh, tùy theo mức độ, hành vi của người đó có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"
3. Trách nhiệm dân sự
Điều 13 Bộ luật dân sự 2015 quy định:Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác."
Như vậy nếu người quản lý xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mẹ bạn mà gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường, do đó mẹ bạn có thể khởi kiện dân sự kèm theo chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đồng thời yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi thường.
Còn đối với việc người quản lý lợi dụng chức vụ không chia ca công bằng cho mẹ bạn thì mẹ bạn có thể khiếu nại lên người đứng đầu của hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bài viết tham khảo:
- Trường hợp nào được miễn nghĩa vụ dân quân tự vệ.
- Phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn.