• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần cần phải tuân theo các điều kiện pháp luật quy định, đồng thời phải thực hiện đúng...

  • Các quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần
  • Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần
  • Pháp luật doanh nghiệp
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

Kiến thức của bạn: 

Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần.

Kiến thức của Luật sư:

Cơ sở pháp lý:

Nội dung kiến thức về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

1. Điều kiện chuyển nhượng cổ phần phổ thông trong công ty cổ phần

     Về nguyên tắc, cổ phần phổ thông trong công ty cổ phần được chuyển nhượng một cách tự do cho cả cổ đông lẫn người không phải cổ đông trong công ty. Tuy nhiên, quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông phải ngoại trừ trường hợp điều kiện hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông đối với cổ đông sáng lập (Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014) và trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế (Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014). Theo đó, ta có các điều kiện cụ thể:

     Thứ nhất, Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014: Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó. Cần phải lưu ý, số cổ phần phổ thông bị hạn chế chuyển nhượng này là số cổ phần phổ thông mà cổ đông mua khi góp vốn thành lập doanh nghiệp nó nằm trong số 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

  • Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty. Sau thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các hạn chế của cổ phần phổ thông đối với cổ đông sáng lập được bãi bỏ.

=> Nguyên nhân các nhà làm luật hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm đầu tiên khi thành lập doanh nghiệp là để đảm bảo sự hoạt động ổn định và bền vững của doanh nghiệp. Vì trong 3 năm đầu tiên, doanh nghiệp mới hình thành nên chưa gây dựng được uy tín cũng như là thương hiệu trên thị trường do đó tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp ít, đồng thời cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp có thể vẫn chưa được kiện toàn. Nên nếu cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần của mình cho một đối tượng khác thì có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của công ty. Cổ đông sáng lập được xem như là những người khai sinh ra công ty, vì vậy quy định hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập góp phần ràng buộc đồng thời đề cao trách nhiệm của cổ đông sáng lập trong giai đoạn đầu thành lập công ty, ngăn chặn tình trạng các thành viên sáng lập thành lập công ty với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt vốn của người góp vốn… và khi đạt được mục đích thì họ bán cổ phần của mình và bỏ mặc số phận công ty.

  • So với Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ đi quy định …người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty...” Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ đi quy định này là hợp lý, bởi lẽ cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Nên khi người không phải cổ đông sáng lập nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập họ sẽ không thể nào đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Vì họ chỉ thỏa mãn một điều kiện là sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông, còn điều kiện ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập thì họ không thỏa mãn.
  • Trường hợp chuyển nhượng cổ phần phổ thông không tạo nên tư cách cổ đông sáng lập cho người nhận chuyển nhượng cổ phần, mà chỉ hình thành tư cách cổ đông của công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại Khoản 2 Điều 121 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. Thêm một điểm mới nữa là Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định các hạn chế của trường hợp chuyển nhượng quy định tại Khoản 3 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014 không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty. Điều này Luật Doanh nghiệp năm 2005 không quy định.

     Thứ hai, nếu Điều lệ công ty có quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tôn trọng sự thỏa thuận của các cổ đông trong công ty trên cơ sở Điều lệ của công ty. Đây chính là điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014 so với Luật Doanh nghiệp năm 2005. [caption id="attachment_81764" align="aligncenter" width="416"]chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần Chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần[/caption]

2. Điều kiện chuyển nhượng cổ phần ưu đãi trong công ty cổ phần

     Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết: Theo Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2014: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác”. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông, việc nắm giữ cổ phần loại này có nghĩa là cổ đông đó có tiếng nói nhiều hơn và có quyền quyết định lớn hơn đối với các vấn đề quan trọng của công ty, nếu cổ phần ưu đãi biểu quyết được tự do chuyển nhượng sẽ đe dọa đến sự phát triển của công ty cũng như quyền lợi của các cổ đông khác.

     Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tại Khoản 3 Điều 113: “Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết…” Tuy nhiên, ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bởi vì cổ phần ưu đãi biểu quyết là loại cổ phần có số biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông nên nhằm giúp doanh nghiệp có thể ổn định khi vừa mới thành lập và hoạt động bằng việc hạn chế sự thay đổi trong cơ cấu, quyết địnhcủa doanh nghiệp. Sau thời hạn 3 năm đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Nên nếu như Nhà nước muốn thoái vốn khỏi doanh nghiệp hoặc cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng số cổ phần ưu đãi biểu quyết này cho người khác thì phải đăng ký chuyển đổi thành cổ phần phổ thông sau đó mới làm thủ tục chuyển nhượng. Nhưng không phải tự nhiên cổ phần ưu đãi biểu quyết tự chuyển đổi thành cổ phần phổ thông mà việc chuyển đổi này phải thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông

  • Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức: Theo Điểm c Khoản 2 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức ngoài quyền được hưởng cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm thì các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức còn có các quyền khác như cổ đông phổ thông. Có nghĩa về quy định chuyển nhượng cổ phần thì quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức được chuyển nhượng tự do như cổ phần phổ thông trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần và cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Vì cổ phần ưu đãi cổ tức mang giá trị về mặt tài sản, tức là được nhận nhiều cổ tức hơn so với các cổ phần khác mà nó không có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.
  • Cổ phần ưu đãi hoàn lại: Giống như cổ đông sở hữu cổ phần cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại cũng có các quyền khác như cổ đông phổ thông, tức là cổ phần ưu đãi cổ tức được chuyển nhượng tự do như cổ phần phổ thông trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Bản chất của cổ phần ưu đãi hoàn lại là người sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại sẽ có quyền yêu cầu hoàn lại vốn góp hoặc việc hoàn lại sẽ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại, tức là không mang tính ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty. Bởi cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại cũng giống như cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức đó là không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

3. Cách thức chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

     Việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần được quy định tại Khoản 2 Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có thể thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần thực hiện bằng hợp đồng giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng theo quy định của giao dịch dân sự.

     Có thể hiểu đây là một loại giao dịch dân sự mà đối tượng là giấy tờ có giá, cơ sở hình thành đó là sự thỏa thuận từ hai bên. Vì thế thủ tục giao dịch cũng do hai bên tự thỏa thuận theo quy định của Luật dân sự. Các hành vi chuyển nhượng khác như tặng – cho, thừa kế cũng thuộc hình thức chuyển nhượng này. Các bên cần chú ý tới điều khoản thanh toán và phương thức, điều kiện thanh toán để đảm bảo cho việc nhận chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần một cách an toàn. Giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Giao dịch chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần bắt buộc phải có đăng ký. Việc đăng ký ở đây là sau khi chuyển nhượng số cổ phần trong công ty cổ phần, mọi sự thay đổi về tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đều phải được ghi lại trong Sổ đăng ký cổ đông. Nếu việc mua bán chỉ được thỏa thuận giữa 2 cổ đông với nhau mà không được thể hiện ở sổ đăng ký cổ đông thì việc chuyển nhượng ấy coi như không có giá trị.

     Việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần còn có thể thực hiện thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán

4. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần

     Bước 1: Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng. Hồ sơ chuyển nhượng trong các trường hợp này gồm: Đối với cổ đông là cá nhân, hồ sơ chuyển nhượng bao gồm:

  • Giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phần;
  • CMND của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (có bảo sao và bản gốc để đối chiếu);
  • Sổ chứng nhận cổ phần của bên chuyển nhượng;
  • Sổ chứng nhận cổ phần của bên nhận chuyển nhượng (nếu là cổ đông hiện hữu);
  • Giấy ủy quyền (trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng không trực tiếp làm thủ tục chuyển nhượng).
Đối với cổ đông là tổ chức, hồ sơ bao gồm:
  • Giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phần;
  • Bản sao công chứng Giấy đăng kí kinh doanh hiện hành;
  • Sổ chứng nhận của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (nếu bên nhận chuyển nhượng là cổ đông hiện hữu);
  • Quyết định hợp pháp của tổ chức về việc cho phép chuyển nhượng cổ phần;
  • Giấy ủy quyền của tổ chức cho người đại diện thực hiện giao dịch chuyển nhượng (nếu người thực hiện giao dịch không phải là đại diện của tổ chức đó)

     Bước 2: Lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng.

     Bước 3: Tổ chức họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.

     Bước 4: Chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.

     Bước 5: Đăng ký thay đổi cổ đông theo quy định của pháp luật.

 CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN CỦA CỔ ĐÔNG SÁNG LẬP SAU HAI NĂM THÀNH LẬP

Câu hỏi của bạn:

     Chào các anh các chị!

     Tôi là cổ đông sáng lập của một Công ty cổ phần (được thành lập từ tháng 12/2014) có 04 cổ đông sáng lập, trong đó tôi nắm giữ 20% tổng số cổ phần. Hiện nay tôi muốn chuyển nhượng số cổ phần của mình tại công ty cho chị X (chị X không phải là cổ đông sáng lập). Vậy tôi có được quyền chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập của mình cho chị X không?

     Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu trả lời của luật sư:

     Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn pháp luật qua email – Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Cơ sở pháp lý

Nội dung tư vấn:

Khoản 2 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:

2. Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.

Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

  1. Điều kiện để được chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập

     Khoản 3 Điều 119 Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

     “[…]3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.[…]” [caption id="attachment_15102" align="aligncenter" width="300"]Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập[/caption]

     Như vậy trong trường hợp của bạn,chị X không phải là cổ đông sáng lập của Công ty, đồng thời công ty mới thành lập năm 2014 nên đang trong thời hạn 3 năm sau khi thành lập. Do đó, bạn chỉ được chuyển nhượng cho chị X khi được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, bạn được phép chuyển nhượng cổ phần của mình cho chị X.

     Bước 1: Công ty bạn phải tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông và phải được Đại hội đồng cổ đông chấp nhận. Khi tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bạn không có quyền biểu quyết về vấn đề này.

     Bước 2: Do bạn chuyển nhượng toàn bộ 20% số cổ phần của mình nên khi tiến hành chuyển nhượng cổ phần xong công ty bạn có trách nhiệm thông báo thay đổi cổ đông sáng lập công ty cphần với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. (Khoản 7, Điều 51, Nghị định 78/2015/NĐ-CP)

     2. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập

     Bên cạnh việc tiến hành Đại hội đồng cổ đông để chuyển nhượng cổ phần thì trong thời hạn 10 ngày kể từ khi tiến hành chuyển nhượng cổ phần công ty bạn phải làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh lên Cơ quan đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch đầu tư. Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh gồm:

  • Thông báo về việc chuyển nhượng. Thông báo bao gồm:
    • Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế;
    • Họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông sáng lập chuyển nhượng;
    • Họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
  • Danh sách thông tin của các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi;
  • Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;

     Bài viết tham khảo:

     Để được tư vấn vấn chi tiết về chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật doanh nghiệp 24/7: 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178