Từ chối nhận di sản và chia di sản thừa kế được quy định như thế nào
09:08 03/07/2019
Ông Trần Minh Thiện và bà Nguyễn Thị Loan kết hôn năm 1979, họ có hai người con là Trần Minh Hùng...từ chối nhận di sản và chia di sản thừa kế...
- Từ chối nhận di sản và chia di sản thừa kế được quy định như thế nào
- từ chối nhận di sản và chia di sản
- Tin tức tổng hợp
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN VÀ CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Câu hỏi của bạn:
Ông Trần Minh Thiện và bà Nguyễn Thị Loan kết hôn năm 1979, họ có hai người con là Trần Minh Hùng (sinh năm 1981), Trần Ngọc Hằng (sinh năm 1983). Do mâu thuẫn vợ chồng, đến năm 1990 ông Thiện đã chung sống như vợ chồng với một người phụ nữ tên Lê Thị Ly. Ông Thiện và bà Ly có được hai người con là Trần Minh Hiển (sinh năm 1990) và Trần Ngọc Thu (sinh năm 1996). Bà Ly còn có một người con riêng là Nguyễn Thị Lan, (Lan không sống cùng bà Ly và ông Thiện). Trong thời gian chung sống với bà Ly, ông Thiện không ly hôn với bà Loan, ông Thiện vẫn thường xuyên trở về nhà để chăm sóc hai con là Hùng và Hằng.
Tháng 5 năm 2013 bà Ly bị bệnh chết, trước khi chết bà Ly không để lại di chúc. Sau khi bà Ly chết, di sản của bà được xác định là 600 triệu đồng.
Tháng 10 năm 2014 ông Thiện và Hiển bị tai nạn giao thông qua đời. Hiển đã cưới vợ là chị Mai Thị Khanh và có một người con là Trần Minh Hậu. Hiển có tài sản chung với vợ là 60 triệu đồng, cùng số tiền thừa kế từ bà Ly đang gửi trong ngân hàng đứng tên Hiển.
Ông Thiện và bà Loan có tài sản chung là 800.000.000 đồng.
Ông Thiện có tài sản riêng là 200.000.000 đồng.
Ông Thiện trước khi chết có viết di chúc để lại cho bà Loan, Hùng và Hằng một nửa di sản.
Bà Loan có thu nhập rất cao nên đã từ chối nhận di sản của ông Thiện theo di chúc và theo pháp luật.
Đồng thời anh Hùng khởi kiện bác bỏ quyền thừa kế của chị Thu, vì cho rằng Thu là con ngoài hôn thú nên không được hưởng thừa kế theo pháp luật di sản của ông Thiện.
Với tình huống nêu trên, đồng chí hãy cho biết.
- Bà Loan từ chối nhận di sản của ông Thiện có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Vì sao? Việc từ chối nhận di sản phải thực hiện như thế nào? Theo quy định của pháp luật Thu có được hưởng di sản của ông Thiện không? Vì sao?
- Theo quy định của pháp luật về thừa kế, di sản của ông Thiện, bà Ly và Hiển được chia như thế nào?
Câu trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2005
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Nội dung tư vấn
1. Bà Loan từ chối nhận di sản của ông Thiện có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Vì sao? Việc từ chối nhận di sản phải thực hiện như thế nào? Theo quy định của pháp luật Thu có được hưởng di sản của ông Thiện không? Vì sao?
-
Việc bà Loan từ chối nhận di sản có phù hợp không?
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Theo quy định tại Điều 642 BLDS 2005 thì người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Mọi hành động lấy việc từ chối nhận di sản để trốn nghĩa vụ tài sản của người chết để lại hay nghĩa vụ tài sản của mình đều bị pháp luật nghiêm cấm. Vì vậy, bà Loan có quyền từ chối nhận di sản nếu việc từ chối này không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với người khác.
Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
-
Thu có được hưởng di sản không?
Theo quy định tại Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Tại khoản 2 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.
Vì chị Thu là con của ông Thiện và bà Ly, tuy 2 người chỉ là quan hệ chung sống như vợ chồng nhưng theo quy định của pháp luật thì chị Thu vẫn được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật và chị Thu thuộc hàng thừa kế thứ nhất (Điều 676 BLDS).
2. Theo quy định của pháp luật về thừa kế, di sản của ông Thiện, bà Ly và Hiển được chia như thế nào?
-
Chia di sản của ông Thiện:
Ông Thiện và bà Loan có tài sản chung là 800.000.000 đồng, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi (khoản 2 Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình). Bên cạnh đó, ông Thiện có tài sản riêng là 200 triệu đồng. Theo đó, di sản của ông Thiện tổng có là 600 triệu đồng.
Ông Thiện trước khi chết có viết di chúc để lại cho bà Loan, Hùng và Hằng một nửa di sản. Vì bà Loan đã từ chối nhận di sản nên nửa di sản (300 triệu đồng) sẽ được chia đều cho Hùng và Hằng, mỗi người 150 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 684 BLDS).
Phần còn lại là 300 triệu đồng sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Vì ông Thiện và Hiển qua đời cùng thời điểm nên theo quy định của BLDS về thừa kế thế vị thì Hậu - con của Hiển sẽ được thừa kế phần di sản mà cha mình được hưởng. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: bà Loan, Hùng, Hằng, Hiển và Thu. Tuy nhiên bà Loan đã từ chối nhận di sản nên di sản sẽ được chia đều cho 4 người còn lại, mỗi người 75 triệu đồng, Hậu thừa kế phần di sản của Hiển. [caption id="attachment_13487" align="aligncenter" width="300"] Chia di sản thừa kế[/caption]
-
Chia di sản của bà Ly:
Bà Ly chết, không để lại di chúc. Di sản của bà được xác định là 600 triệu đồng.
Theo quy định tại Điều 675 BLDS thì bà Ly không để lại di chúc nên di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất gồm 3 người con của bà: Hiển, Thu và Lan. Vậy mỗi người sẽ được hưởng 200 triệu đồng.
-
Chia di sản của Hiển:
Theo tình huống đưa ra thì Hiển có tài sản chung với vợ là 60 triệu đồng, cùng số tiền thừa kế từ bà Ly đang gửi trong ngân hàng đứng tên Hiển.
Hiển được hưởng thừa kế của bà Ly là 200 triệu đồng, đây là tài sản riêng của Hiển. Như vậy, di sản Hiển để lại gồm có: 200 triệu tài sản riêng và 60 triệu là tài sản chung với vợ.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi (khoản 2 Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình), chị Khanh – vợ Hiển sẽ được chia 30 triệu đồng. Tổng số di sản còn lại của Hiển sẽ là 230 triệu đồng, được chia thừa kế theo pháp luật. Chị Khanh và cháu Hậu là 2 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, vì vậy di sản được chia đều mỗi người 115 triệu đồng.
Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Nếu còn bất cứ vướng mắc nào, bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật dân sự miễn phí 24/7: 19006500 để gặp trực tiếp luật sư tư vấn và để yêu cầu cung cấp dịch vụ. Hoặc Gửi nội dung tư vấn qua email: [email protected]. Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người để chúng tôi ngày càng trở lên chuyên nghiệp hơn.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của mọi người.
Trân trọng ./.
Liên kết ngoài tham khảo:
- Tư vấn pháp luật đất đai miễn phí 24/7: 1900.6178;
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí 24/7: 1900.6178;
- Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí 24/7: 1900.6178;
- Tư vấn pháp luật lao động miễn phí 24/7: 1900.6178;
- Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí 24/7: 1900.6178;
- Tư vấn pháp luật doanh nghiệp miễn phí 24/7: 1900.6178;