• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

Tố cáo là việc cá nhân báo lên cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm, trách nhiệm tiếp nhận đơn tố cáo quy định:

  • Trách nhiệm tiếp nhận đơn tố cáo theo Luật Tố cáo 2018
  • Tiếp nhận đơn tố cáo
  • Pháp luật hành chính
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

TIẾP NHẬN ĐƠN TỐ CÁO

     Bạn đang tìm hiểu các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục nộp đơn tố cáo; thủ tục tiếp nhận đơn tố cáo; trách nhiệm tiếp nhận đơn tố cáo, cách thức xử lý khi nộp đơn tố cáo không được tiếp nhận... và một số vấn đề khác. Sau đây Luật Toàn Quốc sẽ giải đáp thắc mắc của bạn về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý:

1. Khái niệm và hình thức tố cáo

     Trong đời sống thường nhật, hẳn bất cứ ai cũng đã nghe đến định nghĩa tố cáo. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về định nghĩa này. Hiểu một cách đơn giản, tố cáo là việc cá nhân báo lên cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục pháp luật Tố cáo quy định.

     Việc tố cáo được thực hiện thông qua hai hình thức: đó là cá nhân trực tiếp trình bày tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc thông qua hình thức nộp đơn. Mỗi hình thức đều có những ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên hiện nay mọi người có xu hướng tố cáo bằng hình thức nộp đơn nhiều hơn bởi không phải ai cũng có thời gian để có thể mất một buổi hoặc thậm chí cả ngày làm việc của mình để lên cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trình bày về vụ việc cần tố cáo. 

     Vậy nộp đơn tố cáo lên cơ quan nào là đúng thẩm quyền? Viết đơn như nào để được thụ lý? Khi xác định đúng thẩm quyền cũng như viết đơn đúng hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật rồi nhưng không thấy giải quyết thì xử lý ra sao?... Hàng loạt những câu hỏi đó sẽ được đặt ra trong quá trình bạn thực hiện việc tố cáo. Qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày những quy định của pháp luật để giải đáp mọi thắc mắc của bạn xung quanh vấn đề về trách nhiệm tiếp nhận đơn tố cáo, đồng thời nêu ra những khó khăn gặp phải cũng như giải pháp trong việc nộp đơn tố cáo lên cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Phạm vi thực hiện việc tố cáo

     Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018, tố cáo sẽ được chia thành 2 lĩnh vực sau đây:

     Thứ nhất, là việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức hay người khác trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình hoặc trường hợp người không còn là cán bộ, công chức, người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã có hành vi vi phạm trong thời gian còn là cán bộ, công chức, người còn đang trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

     Thứ hai, là việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật.

     Việc phân loại phạm vi thực hiện việc tố cáo một cách rõ ràng, cụ thể như vậy sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo của người tố cáo. 

3. Thẩm quyền giải quyết tố cáo

3.1 Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ

     Theo quy định tại Điều 12 Luật Tố cáo năm 2012, việc xác định thẩm quyền tố cáo trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được thực hiện như sau:

     

Điều 12. Nguyên tắc xác định thẩm quyền

1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức được xử lý như sau:

a) Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;

b) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết. Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;

c) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;

d) Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

4. Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

5. Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cơ quan, tổ chức trước khi bị giải thể giải quyết.

6. Tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

     Trên đây là quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền chung về tố cáo, khi các bạn nắm được nguyên tắc chung này sẽ có thể áp dụng để xác định được thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với từng cơ quan cụ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các quy định từ điều 13 đến điều 21 trong Luật Tố cáo năm 2018 để hiểu rõ hơn các quy định cụ thể về giải quyết tố cáo của từng cơ quan.

3.2 Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực

     Nguyên tắc xác định thẩm quyền trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Tố cáo năm 2018, cụ thể:

     

Điều 41. Nguyên tắc xác định thẩm quyền

1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

2. Tố cáo nhiều hành vi vi phạm pháp luật thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để thống nhất xác định cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết.

3. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.

     Có thể thấy rằng việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp này đơn giản hơn rất nhiều so với trường hợp xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo về hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, người được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ bởi những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực được trải trên một quy mô rất rộng của mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mỗi lĩnh vực lại có một cơ quan quản lý riêng. Vậy nên khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực đó thì người tố cáo chỉ cần xác định đâu là cơ quan quản lý lĩnh vực đó để thực hiện việc tố cáo của mình.

      Việc phân loại và xác định rõ thẩm quyền giải quyết tố cáo sẽ giúp cho người tố cáo có cơ sở để xác định nội dung vụ việc của mình sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào để từ đó tiến hành gửi đơn tố cáo đến đúng nơi, tránh việc bị trả lại đơn do không đúng thẩm quyền gây lãng phí thời gian, làm chậm trễ quá trình xử lý vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình hay của cá nhân, tổ chức khác.

4. Tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo

     Mặc dù thẩm quyền giải quyết tố cáo là khác nhau tùy theo lĩnh vực, đối tượng tố cáo nhưng trình tự tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo không có sự khác biệt. Trên cơ sở đó, sau khi bạn nộp đơn tố cáo thì trình tự tiếp nhận và xử lý đơn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ được thực hiện như sau:    

     Tùy vào hình thức tố cáo của bạn bằng đơn hay qua hình thức trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền để trình bày vụ việc tố cáo sẽ quyết định hình thức tiếp nhận tố cáo. Việc tiếp nhận tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 như sau:

     

Điều 23. Tiếp nhận tố cáo

1. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

2. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.

     Sau khi viết đơn tố cáo đúng nội dung và hình thức theo quy định và tiến hành nộp đơn đúng thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm tiếp nhận đơn. Và trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm vào sổ, phân loại xử lý thông tin tố cáo để tiến hành kiểm tra tính xác thực về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo. Thời hạn xác minh có thể kéo dài đến 10 ngày làm việc nếu việc xác minh trở nên phức tạp khi phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh. Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo hoặc trường hợp không đủ điều kiện thì phải thông báo cho người tố cáo và nêu rõ lý do vì sao không nhận đơn. Và khi có căn cứ xác định việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ của mình thì người dân sẽ lấy thông báo không nhận đơn của cơ quan đó để làm căn cứ để tiếp tục thực hiện quyền tố cáo của mình. Vụ việc tố cáo trong trường hợp này sẽ là tố cáo về hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận đơn đã không làm đúng với những gì mà pháp luật tố cáo yêu cầu họ phải thực hiện. Việc xác định thẩm quyền và việc nộp đơn tố cáo sẽ thực hiện theo các bước như trên của bài viết chúng tôi.

     Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thủ tục tố cáo của chúng tôi tại đây: Thủ tục giải quyết tố cáo theo Luật Tố cáo năm 2018

5. Lưu ý khác về trách nhiệm tiếp nhận đơn tố cáo

     Khi tiến hành nộp đơn tố cáo lên cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết tố cáo, bạn cần phải đặc biệt lưu ý và xác định rõ về nội dung tố cáo của mình có dấu hiệu của tội phạm hay không để từ đó xác định việc tố cáo của mình sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo năm 2018 hay sẽ áp dụng quy định pháp luật của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

     Đó là trường hợp nội dung đơn tố cáo của bạn có dấu hiệu của tội phạm thì thủ tục khi đó không còn là thủ tục tiếp nhận đơn tố cáo nữa mà sẽ là thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác tội phạm. Và khi đó hình thức và nội dung đơn cũng sẽ không còn là đơn tố cáo nữa mà phải là đơn tố giác tội phạm. Trong thực tế người dân không phải ai cũng xác định được khi nào viết đơn tố cáo, khi nào viết đơn tố giác là chuyện bình thường bởi không phải ai cũng nắm rõ quy định pháp luật hình sự để xác định vụ việc mình có dấu hiệu của tội phạm hay không. Khi đó các cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và hướng dẫn bạn thực hiện việc tố giác theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Liên hệ Luật sư tư vấn về tiếp nhận đơn tố cáo:

    Nếu bạn đang gặp vướng mắc về tiếp nhận đơn tố cáo mà không thể tự mình giải quyết được, thì bạn hãy gọi cho Luật Sư. Luật Sư luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ tư vấn cho bạn về tiếp nhận đơn tố cáo. Bạn có thể liên hệ với Luật Sư theo những cách sau.

  • Luật sư tư vấn miễn phí qua tổng đài: 19006500
  • Tư vấn qua Zalo: Số điện thoại zalo Luật sư: 0931191033
  • Tư vấn qua Email:Gửi câu hỏi tới địa chỉ Email: [email protected]

     Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!

Chuyên viên : Nam Trường

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178