• Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
  • Công ty Luật TNHH Toàn Quốc
  • MST: 0108718004

Luật sư tư vấn gọi: 1900 6500

Dịch vụ tư vấn trực tiếp: 0918243004

Luật Toàn Quốc chia sẻ toàn văn Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm do Chính Phủ ban hành ngày 30/11/2022 và có hiệu lực từ ngày 15/01/2023.

  • Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm
  • nghị định 99/2022/nđ-cp
  • Tin tức tổng hợp
  • 19006500
  • Tác giả:
  • Đánh giá bài viết

1. Giới thiệu Nghị định 99/2022/NĐ-CP

     Nghị định 99/2022/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 30/11/2022 và có hiệu lực từ ngày 15/01/2023.

     Nghị định 99/2022/NĐ-CP có hiệu lực thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

     Về đối tượng áp dụng: Nghị định 99/2022/NĐ-CP áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

     Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản (sau đây gọi là biện pháp bảo đảm); quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

2. Điểm mới của Nghị định 99/2022/NĐ-CP

     Nghị định 99/2022/NĐ-CP gồm có 4 chương và 56 Điều, về cơ bản vẫn giữ nguyên một số nội dung của Nghị định 102/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định. Dưới đây là một số điểm mới của Nghị định này:

     Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ

  • Về phạm vi điều chỉnh: bổ sung quy định đối với trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
  • Về giải thích từ ngữ: bổ sung thêm một số thuật ngữ được sử dụng trong Nghị định như cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hủy đăng ký.

     Thứ hai, bổ sung quy định về hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba:

     Nghị định đã bổ sung quy định hiệu lực đối kháng với người thứ ba nhằm phù hợp với Bộ luật Dân sự và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, đây cũng là một bổ sung kịp thời để giải quyết những vướng mắc về thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký biện pháp bảo đảm.

     Thứ ba, bổ sung một số quy định khác:

     Bổ sung quy định về các trường hợp từ chối đăng ký; các trường hợp không tính vào thời gian đăng ký; các trường hợp đăng ký thay đổi, xóa đăng ký, hủy đăng ký. Đồng thời Nghị định quy định cụ thể thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển; thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, cây hàng năm, công trình tạm.

Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm

3. Nội dung Nghị định 99/2022/NĐ-CP:

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2022

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 11 tháng 01 năm 2022;

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản (sau đây gọi là biện pháp bảo đảm); quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

2. Đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Đối với các vấn đề không quy định trong pháp luật về chứng khoán thì thực hiện theo quy định liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển tại Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi, cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác hoặc đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình và của người khác đối với bên nhận bảo đảm (sau đây gọi là đăng ký).

2. Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại Nghị định này cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc là việc cơ quan khác có thẩm quyền, người có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến tài sản cho cơ quan đăng ký.

3. Sổ đăng ký là sổ được cơ quan đăng ký dùng để ghi, cập nhật nội dung đăng ký. Sổ đăng ký có thể là sổ giấy, sổ điện tử hoặc đồng thời là sổ giấy và sổ điện tử, bao gồm:

a) Sổ địa chính, Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam đối với biện pháp bảo đảm bằng tàu bay;

c) Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam đối với biện pháp bảo đảm bằng tàu biển;

d) Sổ theo quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên biển đối với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản, tài sản gắn liền với khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi là quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển).

4. Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm là tập hợp dữ liệu về biện pháp bảo đảm đã được đăng ký và được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý thông qua phương tiện điện tử (sau đây gọi là Cơ sở dữ liệu).

5. Hồ sơ đăng ký hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ Phiếu yêu cầu đăng ký hợp lệ và giấy tờ khác thuộc thành phần hồ sơ theo quy định của Nghị định này.

6. Phiếu yêu cầu đăng ký hợp lệ là phiếu được kê khai đầy đủ và đúng các nội dung phải kê khai theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (sau đây gọi là Phụ lục).

7. Giấy chứng nhận bao gồm:

a) Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là động sản; giấy chứng nhận đăng ký xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; giấy tờ khác xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản là động sản theo quy định của pháp luật;

b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam;

c) Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu tàu bay;

d) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, về nhà ở, về xây dựng;

đ) Giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển, quyền sở hữu tài sản gắn liền với khu vực biển theo quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

8. Hủy đăng ký là việc cơ quan đăng ký ghi, cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu về việc không công nhận kết quả đăng ký kể từ thời điểm biện pháp bảo đảm được đăng ký do có căn cứ hủy.

Điều 4. Các trường hợp đăng ký

1. Các trường hợp đăng ký bao gồm:

a) Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan;

b) Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;

c) Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;

d) Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là đăng ký thay đổi); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký (sau đây gọi là xóa đăng ký) đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

2. Việc đăng ký được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký quy định tại Điều 10 Nghị định này. ...............

>>>> Tải Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm

Tư vấn miễn phí gọi: 1900 6178