Khái quát về Nghề Luật sư
16:50 19/10/2023
Khái quát về Nghề Luật sư. Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động, trong đó con người vận dụng tri thức, kỹ năng để làm ra những sản phẩm,
- Khái quát về Nghề Luật sư
- nghề luật sư
- Tư vấn luật chung
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân trong vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ngày càng tăng. Điều này đã tạo một bước đệm lớn giúp nghề luật sư được trân trọng và đánh giá cao hơn. Bài viết dưới đây Luật Toàn Quốc sẽ cho bạn cái nhìn rõ nét nhất về nghề luật sư.
1. Khái niệm về Nghề Luật sư
Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động, trong đó con người vận dụng các tri thức, kỹ năng qua đào tạo để làm ra những sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ có tính chất hay tinh thần phục vụ nhu cầu của xã hội. Nghề luật là một nghề trong xã hội pháp quyền, gắn liền với Nhà nước và pháp luật, trong đó người hành nghề luật thực hiện các chuyên môn khác nhau gắn với pháp luật. Nghề Luật sư là một nghề luật, trong đó luật sư có quyền tự do trong phương thức hành nghề, cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng một cách độc lập theo quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng, góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.2. Đặc điểm của Nghề Luật sư
2.1. Về lĩnh vực hành nghề
Nghề Luật sư là nghề luật, với sự đề cao vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội. Nghề luật có các đặc trưng khác biệt so với các nghề nghiệp khác. Trước hết, nghề luật gắn liền với việc thực thi quyền lực Nhà nước, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ quan, tổ chức, gắn với hoạt động sáng tạo, áp dụng, thực thi, vận dụng pháp luật, là nghề lao động trí óc độc lập và chỉ tuân theo luật pháp, là nghề sử dụng kiến thức tổng hợp của nhiều khoa học khác nhau. Nghề luật là nghề đòi hỏi bản lĩnh kiên định, lòng dũng cảm, tính trung thực, đạo đức trong sáng và nghề đòi hỏi sử dụng nhiều kỹ năng nghề nghiệp thành thạo và chuẩn xác. Khi xã hội phát triển với sự phân công lao động xã hội ở mức độ ngày càng sâu sắc đã xuất hiện những nghề nghiệp độc lập liên quan đến luật pháp. Nhiều nghề luật cụ thể ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của luật pháp. Nghề luật bao gồm các nghề làm luật, xây dựng pháp luật – lập pháp, lập quy; nghề bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý với tư cách độc lập nhân danh Nhà nước – trong lĩnh vực tư pháp; nghề luật thực thi pháp luật với tư cách nhân danh cơ quan, cá nhân có thẩm quyền – trong lĩnh vực hành pháp; nghề làm công tác bổ trợ tư pháp;nghề làm công tác hành chính – tư pháp. Trong hệ thống các nghề nghiệp và chức danh nghề, Nghề Luật sư là một nghề luật, trong đó Luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp.2.2. Về chức năng xã hội và nhân văn
Nghề Luật sư là nghề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ quyền con người, góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Nghề Luật sư có tính nhân văn sâu sắc, Luật sư hành nghề không phải chỉ vì mục tiêu kinh tế đơn thuần, Nghề Luật sư còn có sứ mệnh cao cả, thực hiện chức năng xã hội – nghề nghiệp gắn với số phận con người. Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nghề Luật sư có tính nhân văn sâu sắc bởi về phương diện lịch sử, Nghề Luật sư xuất hiện gắn liền với nhu cầu và xuất phát tự nhiên nhằm minh oan cho bạn bè, người thân bị giai cấp thống trị bắt giam vô cớ và trừng phạt một cách độc đoán. Mặt khác, Nghề Luật sư xuất phát từ quyền lợi của nhân dân bị áp bức nên nhân dân đồng tình ủng hộ và dần dần thu hút nhiều người tham gia bào chữa trước tòa. Trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, vị trí, vai trò của Luật sư và Nghề Luật sư ngày càng được đề cao, Luật sư góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý và thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử của Tòa án theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.2.3. Về đối tượng khách thể nghề nghiệp
Nghề Luật sư là nghề có tính chất dịch vụ, cung cấp dịch vụ pháp lý gắn liền với hệ thống tư pháp. So với các nghề nghiệp khác, Nghề Luật sư không trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ thông thường, mà cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng. Dịch vụ pháp lý là dịch vụ đặc biệt trong xã hội gắn với quyền lực Nhà nước, thực thi pháp luật, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân công dân, gắn liền với thực hiện quyền tư pháp. Khác với dịch vụ pháp lý của các chức danh khác, dịch vụ pháp lý của Luật sư là dịch vụ pháp lý tư, phân biệt với dịch vụ pháp lý công. Dịch vụ pháp lý công là dịch vụ pháp lý của Nhà nước. Dịch vụ pháp lý của Luật sư là dịch vụ chuyên nghiệp, bởi đây là công việc chuyên làm theo sự phân công lao động xã hội đối với Nghề Luật sư. Dịch vụ pháp lý của Luật sư có phạm vi rộng, bao hàm toàn bộ các lĩnh vực pháp luật từ tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng đến cung cấp các dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng trong mọi lĩnh vực pháp luật.2.4. Về quản lý đối với nghề nghiệp Luật sư
Nghề Luật sư là nghề luật trong đó Luật sư có phương thức hành nghề tự do. Luật sư hành nghề dựa trên kiến thức pháp luật và kỹ năng, thể hiện vai trò cá nhân, uy tín và đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, quản lý đối với Nghề Luật sư có nguyên tắc đặc thù. Tính đặc thù ở chỗ Nghề Luật sư là nghề của những người có hiểu biết pháp luật, có tính độc lập cao và luôn muốn tự do trong phương thức hành nghề của mình, mặt khác Nhà nước và xã hội cũng đòi hỏi họ phải gương mẫu, tự giác chấp hành pháp luật. Theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, Nghề Luật sư và Luật sư được quản lý chặt chẽ không chỉ bằng pháp luật mà còn bằng hệ thống quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nhà nước ban hành hệ thống pháp luật điều chỉnh đối với Luật sư và Nghề Luật sư, đồng thời pháp luật về Luật sư còn quy định Luật sư phải tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư. Hai hệ thống này phối hợp chặt chẽ với nhau điều chỉnh đối với Nghề Luật sư tạo thành nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước và tự quản đối với Luật sư và Nghề Luật sư. Nguyên tắc quản lý trên đảm bảo cho Nghề Luật sư phát triển đúng hướng, đạt mục đích nghề nghiệp của người hành nghề, đồng thời đạt được mục đích và hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của Nhà nước đối với các quan hệ xã hội liên quan đến Luật sư và Nghề Luật sư.2.5. Về đặc thù nghề nghiệp Luật sư
Nghề Luật sư là nghề gắn với số phận con người và sự thực thi pháp luật nên pháp luật quy định rất chặt chẽ về tiêu chuẩn và điều kiện để một người có thể trở thành Luật sư và hành nghề Luật sư. Người muốn hành nghề luật phải được công nhận là Luật sư. Nghề Luật sư là một nghề đặc biệt và mang những đặc thù sau đây:- Nghề Luật sư đòi hỏi những người hành nghề phải có trình độ chuyên môn và có tính chuyên nghiệp cao. Kiến thức chuyên môn sâu về pháp luật là cơ sở để Luật sư hành nghề.
- Luật sư hành nghề độc lập và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước khách hàng về hoạt động nghề nghiệp của mình. Tính độc lập là cơ sở quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư.
- Luật sư là một nghề không chỉ đòi hỏi về chuyên môn cao mà còn đòi hỏi người hành nghề phải có tư cách đạo đức tốt. Luật sư mang trên mình niềm tin mà xã hội và khách hàng ủy thác. Sự tin cậy đôi khi có thể bị lạm dụng và sự lạm dụng này sẽ hạ thấp danh dự nghề nghiệp, xói mòn niềm tin vào công lý và pháp luật. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp góp phần khắc phục sự mất cân bằng và giải quyết những xung đột về quyền lợi có thể xảy ra.
3. Hỏi đáp về nghề luật sư
Câu hỏi 1: Luật sư cho tôi hỏi: Giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư bao gồm những gì? Tôi cảm ơn!
Theo quy định tại Thông tư 05/2021/TT-BTP hướng dẫn Luật Luật sư quy định giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư bao gồm:- Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Nghị quyết của HĐND, Biên bản bầu thẩm phán của HĐND đối với trường hợp thẩm phán do HĐND cấp huyện, cấp tỉnh bầu.(Hiện hành, không quy định về quyết định bổ nhiệm lại).
- Bản sao Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật.
- Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát.(Hiện hành, không quy định về quyết định bổ nhiệm lại).
- Bản sao Quyết định bổ nhiệm chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
- Bản sao Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc trong lĩnh vực pháp luật.(Hiện hành, quy định Giấy xác nhận về thời gian công tác).
- Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.
Câu hỏi 2: Luật sư cho tôi hỏi: Các trường hợp nào không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Tôi cảm ơn!
Theo khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) thì người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:- Không đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 Luật Luật sư 2006:Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
- Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
- Không thường trú tại Việt Nam;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích;
- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Những người quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.
Câu hỏi 3: Luật sư cho tôi hỏi: Thời gian xử lý cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư là bao lâu? Tôi cảm ơn!
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có văn bản đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư kèm theo hồ sơ gửi Sở Tư pháp. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.
- Bộ Tư pháp xem xét cấp chứng chỉ trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.
- Soạn hợp đồng đào tạo nghề
- Bộ quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư 2020
- Luật sư tư vấn Luật dân sự miễn phí qua Tổng đài 1906500
Chuyên viên: Hằng