Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ nông nghiệp cấp
14:56 16/07/2019
Thành phần hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ nông nghiệp cấp...trình tự xin cấp giấy chứng nhận...đối tượng áp dụng
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ nông nghiệp cấp
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ nông nghiệp cấp
- Pháp luật doanh nghiệp
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM DO BỘ NÔNG NGHIỆP CẤP
Kiến thức của bạn
Hồ sơ, thủ tục, trình tự để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận được nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm được cấp bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kiến thức của Luật sư
Cơ sở pháp lý
- Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm 2010
- Nghị định số 38/2012/NĐ- CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm.
- Thông tư 45/2014/TT- BNNPTNT Quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lầm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT- BYT- BNNPTNT- BTC Hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (Phụ lục II).
Nội dung pháp lý Khoản 1 Điều 2 Luật vệ sinh an toàn thực phẩm 2010 quy định:
Thủ tục, hồ sơ, trình tự thực hiện để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận có được giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý và cấp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
1. Đối tượng áp dụng
Theo quy định của pháp luật: Luật an toàn thực phẩm 2010 (Điều 63); Nghị định 38/2012/NĐ- CP (Điều 21); Thông tư 45/2014/TT- BNNPTNT (Điều 2), các đối tượng phải xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và các đối tượng thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm có:
Thứ nhất, thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại luật an toàn thực phẩm 2010 đối với các lĩnh vực:
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối bao gồm: Quá trình trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nông, lâm, thủy sản; sản xuất muối.
- Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; cacao; hạt tiêu; điều và các nông sản thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ đầu mối, đấu giá nông sản.
Thứ hai, cụ thể các cơ sở tiến hành hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hóa, thực phẩm mà được quy định tại luật an toàn thực phẩm 2010 thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn như sau:
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt nông thôn.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản bao gồm:
- Cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm nông lâm thủy sản có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận kinh tế trang trại; tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên;
- Cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cơ sở sản xuất kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng sản phẩm thực phẩm gắn liền cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản;
- Cơ sở sản xuất (sau đây gọi tắt là cơ sở) nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương (Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014).
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở nêu trên.
2. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Nông nghiệp.
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc giấy chứng nhận kinh tế trang trại (ngoại trừ đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên): bản sao công chứng hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu;
- Bản thuyết minh về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT (ngoại trừ đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên).
- Danh sách chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở sản xuất, kinh doanh);
- Danh sách chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm đã được cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp xác nhận đủ sức khoẻ (có xác nhận của cơ sở sản xuất, kinh doanh).
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
3. Trình tự, thủ tục để cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận được giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ nông nghiệp cấp
Bước 1: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nộp hồ sơ tại Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể như sau:
- Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ cho: các cơ sở sản xuất, thu gom, giết mổ, sớ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đa ngành (từ 2 ngành trở lên liên quan đến sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật…) có giấy đăng ký kinh doanh kể cả cơ sở đã đạt chứng nhận HACCP, ISO 22000.
- Cục thú y cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho: các cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung do trung ương quản lý, cơ sở sản xuất giống thủy sản quốc gia, cơ sở nuôi đăng ký chứng nhận an toàn dịch bệnh thủy sản, khi cách ly kiểm dịch động vật thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu.
- Các cơ sở được Chi cục thú y cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là: cơ sở kinh doanh, sản xuất các mặt hàng thịt gia cầm gia súc tươi sống, mật ong.
- Chi cục bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận An toàn thực phẩm cho: các cơ sở sản xuất kinh doanh rau quả, chè các loại.
- Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi (QLCL & BVNL) là đơn vị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở: kinh doanh sản xuất các nguyên liệu, sản phẩm thủy hải sản các loại.
Bước 2: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP của cơ sở, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP phải xem xét tính đầy đủ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu hồ sơ không đầy đủ;
Bước 3: Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP thực hiện thẩm tra hồ sơ kiểm tra, xếp loại cơ sở do đơn vị đã thực hiện, hoặc tổ chức đi kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở (trường hợp cơ sở chưa được kiểm tra, xếp loại) và cấp Giấy chứng nhận ATTP nếu đủ điều kiện. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận ATTP thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Giấy chứng nhận ATTP có hiệu lực trong thời gian 03 (ba) năm. Trước 06 (sáu) tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận ATTP hết hạn, cơ sở nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận ATTP trong trường hợp tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Trường hợp Giấy chứng nhận ATTP vẫn còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất, bị hỏng, thất lạc, hoặc có sự thay đổi, bổ sung thông tin trên Giấy chứng nhận ATTP, cơ sở phải có văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận ATTP theo Phụ lục V của thông tư 45/2014/TT- BNNPTNT gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận ATTP để được xem xét cấp lại.
Trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận ATTP của cơ sở, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP thực hiện thẩm tra hồ sơ và xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận ATTP cho cơ sở. Thời hạn của Giấy chứng nhận ATTP đối với trường hợp cấp lại trùng với thời hạn hết hiệu lực của Giấy chứng nhận ATTP đã được cấp trước đó. Trường hợp không cấp lại, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ATTP phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
Luật Toàn Quốc hy vọng những gì chúng tôi tư vấn nêu trên sẽ giúp cho quý khách có lựa chọn được phương án thích hợp nhất để giải quyết vấn đề của mình. Còn bất cứ vướng mắc gì quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp miễn phí 24/7: 19006500 để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp dịch vụ hoặc gửi thư về Email: [email protected].
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách.
Trân trọng!.
Liên kết tham khảo: