Xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH như thế nào
21:53 07/01/2019
Xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH...Tùy vào mức độ hành vi mà nhà nước sẽ có chế tài xử phạt từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự
- Xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH như thế nào
- Xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH
- Tư vấn luật chung
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH
Câu hỏi về xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH:
1. Chưa thực hiện thông báo tình hình biến động lao động tại Doanh nghiệp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là chưa đúng quy định tại Điều 16 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH.
2. Chưa đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với số tiền là 131.528.994 đồng là chưa đúng quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; khoản 2, Điều 44 Luật Việc làm và điểm 1, khoản 9, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014.
3. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho 74 người lao động thiếu khoản phụ cấp bắt buộc phải tham gia với tổng số tiền phải truy đóng tạm tính trong 01 tháng (tháng 06/2018) là 12.554.880 đồng (chưa tính lãi chậm nộp) là chưa đúng quy định tại khoản 3, Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 1, Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Em muốn luật sư giúp em các chế tài xử phạt như thế nào ạ. Em cảm ơn.
Câu trả lời về xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH
Chào bạn, Luật Toàn Quốc xin cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH như sau:
1. Cơ sở pháp lý về xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Tải nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi một số điều của nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lao động
- Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
2. Nội dung tư vấn về xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH
Theo yêu cầu của bạn, bạn yêu cầu chúng tôi tư vấn giúp bạn chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cụ thể là hành vi chậm đóng BHXH, mức đóng không đầy đủ BHXH cũng như hành vi chậm khai báo biến động tình hình lao động của doanh nghiệp với trung tâm dịch vụ việc làm. Đối với câu hỏi trên, chúng tôi xin được tư vấn như sau.
2.1. Xử phạt hành chính hành vi hành vi chậm đóng tiền BHXH
Chậm đóng BHXH hay cố tình không đóng BHXH là một hành vi vi phạm pháp luật hiện nay. Căn cứ theo điều 26 nghị định 95/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi khoản 19 điều 1 nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định liên quan đến xử phạt hành chính về vi phạm liên quan đến đóng BHXH bắt buộc thì:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.
2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này."
Như vậy căn cứ vào quy định trên, với hành vi không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động với số tiền là 131.528.994 đồng, do bạn không đề cập rõ việc không đóng ở đây là chậm đóng, hay cố tình không đóng cho toàn bộ người lao động nên chúng tôi chia thành 2 trường hợp như sau.
Trường hợp 1: Do công ty chậm đóng. Với trường hợp này, công ty sẽ bị phạt hành chính với mức phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH. Ngoài ra công ty còn bị buộc phải đóng đầy đủ số tiền còn thiếu, cũng như số tiền lãi theo quy định pháp luật.
Trường hợp 2: Công ty không đóng BHXH cho toàn bộ người lao động đang làm việc. Với trường hợp này, công ty sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp ở thời điểm lập biên bản vi phạm. Bên cạnh đó cũng giống như trường hợp 1, công ty còn bị buộc phải đóng đầy đủ số tiền còn thiếu, cũng như số tiền lãi theo quy định pháp luật.
Ngoài hành vi không đóng BHXH ra, công ty bạn còn có hành vi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định, cụ thể là thiếu khoản phụ cấp bắt buộc phải tham gia. Giống như trường hợp trên, đối với hành vi trái pháp luật này, công ty sẽ bị phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.
Đối với hành vi chưa thực hiện thông báo tình hình biến động lao động tại Doanh nghiệp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, hiện nay pháp luật vẫn chưa có chế tài cụ thể liên quan đến hành vi này của công ty bạn. [caption id="attachment_144832" align="aligncenter" width="382"] Xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH[/caption]
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trốn đóng BHXH
Tại Điều 216 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:
"1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người lao động trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng."
Căn cứ vào quy định trên, nếu như công ty bạn có hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên, với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng , đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Kết luận: Đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm của doanh nghiệp, tùy vào tính chất và mức độ của từng hành vi mà nhà nước sẽ có chế tài xử phạt thích hợp, từ xử phạt vi phạm hành chính đến mức cao hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào các quy định trên và tình hình vi phạm thực tế tại công ty, bạn có thể tố cáo hành vi này lên chánh thanh tra sở lao động thương binh xã hội để cơ quan chức năng vào xử lí, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Tham khảo bài viết:
- Người lao động bị xử phạt hành chính có được đi XKLĐ - Luật Toàn Quốc
- Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm bị xử phạt như thế nào?
Để được tư vấn chi tiết về Xử phạt hành vi chậm đóng tiền BHXH, quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật lao động 24/7: 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc Gửi câu hỏi về địa chỉ Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.
Chuyên viên Ngọc Linh