Xử lý trường hợp đăng ký kết hôn khi có chứng minh nhân dân khác với sổ hộ khẩu
15:08 12/06/2018
Xử lý trường hợp đăng ký kết hôn khi có chứng minh nhân dân khác với sổ hộ khẩu. Tôi là cán bộ tư pháp xã. Tôi có tiếp nhận hồ sơ xin cấp chứng nhận đăng ký
- Xử lý trường hợp đăng ký kết hôn khi có chứng minh nhân dân khác với sổ hộ khẩu
- đăng ký kết hôn
- Tư vấn luật chung
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
Câu hỏi của bạn:
Tôi là cán bộ tư pháp xã. Tôi có tiếp nhận hồ sơ xin cấp chứng nhận đăng ký kết hôn của một công dân. Sau khi trả kết quả xong, tôi phát hiện ra công dân này có 2 CMND được cấp bởi 2 tỉnh thành khác nhau. CMND công dân cung cấp lúc đi đăng ký kết hôn không tương đồng với sổ hộ khẩu (2 CMND có 1 ở tỉnh H, 1 ở tỉnh Q), đăng ký kết hôn ở Q nhưng là CMND ở H cấp. Ngày cấp CMND ở tỉnh H sau ngày đăng ký hộ khẩu ở tỉnh Q. Mong được luật sư tư vấn giúp tôi cách xử lý trong trường hợp này.
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn!
Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến phòng tư vấn pháp luật qua email – Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân
- Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) hướng dẫn một số quy định của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân
- Luật Hộ tịch năm 2014
Nội dung tư vấn về đăng ký kết hôn
1. Một người có hai chứng minh nhân dân được không?
Chứng minh nhân dân (CMND) quy định tại Nghị định 05/1999/NĐ-CP là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Mỗi công dân chỉ được cấp một Chứng minh nhân dân và có một số chứng minh nhân dân riêng (khoản 2 Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP).
Tại Việt Nam, các đầu số CMND khác nhau được chia cho các cơ quan Công an của các tỉnh thành khác nhau. Vì vậy, số CMND không nhất thiết là cố định đối với mỗi người. Nếu chuyển hộ khẩu hoặc thay đổi địa chỉ thường trú tới tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khác thì cần đổi lại CMND, số CMND mới sẽ có đầu số hoàn toàn khác (điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP).
Điểm 5 Mục II Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) quy định về nơi làm thủ tục cấp CMND như sau:
“a- Công dân thuộc diện được cấp CMND hiện đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc địa phương nào do công an cấp huyện nơi đó làm thủ tục cấp CMND.
b- Những công dân đang phục vụ trong Quân đội và Công an nhân dân (trừ số đang thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự) chưa đăng ký hộ khẩu thường trú cùng gia đình hiện đang ở tập trung trong doanh trại quân đội, công an thì do Công an cấp huyện nơi đơn vị đóng trụ sở chính, nhà ở tập thể đó làm thủ tục cấp CMND theo quy định về cấp CMND đối với quân đội và công an. Trường hợp đã đăng ký hộ khẩu thường trú cùng gia đình thì áp dụng như các công dân khác.”
Như vậy, thẩm quyền cấp CMND chỉ thuộc về cơ quan công an cấp huyện nơi người xin cấp CMND đăng ký thường trú, trừ trường hợp công dân đang phục vụ trong Quân đội và Công an nhân dân. Hiện tại, công dân đang có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Q thì cơ quan công an ở tỉnh H sẽ không có thẩm quyền cấp CMND cho công dân này. Theo như thông tin bạn cung cấp, công dân này có 2 CMND, trong đó có 1 CMND cấp ở tỉnh H sau ngày đăng ký hộ khẩu ở tỉnh Q. Về cơ bản, nếu thông tin về nơi đăng ký thường trú của công dân này ở tỉnh Q là hợp pháp thì CMND mà công dân này được cấp ở tỉnh H là không đúng theo quy định pháp luật. [caption id="attachment_95020" align="aligncenter" width="451"] Đăng ký kết hôn[/caption]
2. Xử lý trường hợp đăng ký kết hôn khi CMND khác với sổ hộ khẩu
Như thông tin bạn cung cấp, việc công dân có 2 CMND là không đúng theo quy định pháp luật. Do vậy, bạn cần xác định trong trường hợp này có 2 khả năng có thể xảy ra như sau:
Trường hợp 1: Công dân đã thay đổi nơi đăng ký thường trú từ tỉnh Q về tỉnh H.
Trong trường hợp này, việc công dân có CMND đăng ký ở tỉnh H là hoàn toàn hợp lý. Như vậy sổ hộ khẩu của công dân chưa cập nhật thông tin đầy đủ hoặc đã được cập nhật nhưng bạn không phát hiện ra, để xảy ra sơ sót trong việc đăng ký kết hôn cho công dân. Khi đó, công dân sẽ không có nơi thường trú tại tỉnh Q, đồng nghĩa với việc UBND nơi bạn làm việc không có thẩm quyền đăng ký kết hôn cho công dân này. Xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình như sau:
“Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước.”
Trường hợp 2: Công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh Q.
Trong trường hợp này, sổ hộ khẩu hợp lệ cũng như nơi đăng ký thường trú vẫn là ở tỉnh Q. Khi đó, CMND được cấp ở tỉnh H là giấy tờ không hợp pháp (có thể là giấy tờ giả). Việc công dân sử dụng, cung cấp giấy tờ không hợp lệ sẽ ảnh hưởng tới thông tin, giá trị của giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; bên cạnh đó, để xảy ra sự việc này một phần cũng có trách nhiệm của bạn do không kiểm tra thông tin của công dân chặt chẽ. Bạn cần thông báo tới công dân để làm rõ vụ việc, nếu công dân sử dụng CMND giả để đăng ký kết hôn thì giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được cấp sẽ không có giá trị và phải thu hồi, hủy bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Hộ tịch.
Bài viết tham khảo:
- Xử lý việc kết hôn không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật
- Thủ tục kết hôn lần hai theo quy định của pháp luật hiện hành
Để được tư vấn chi tiết về đăng ký kết hôn, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân 24/7: 1900 6178 để được luật sư tư vấn hoặc gửi câu hỏi về địa chỉ Gmail: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất. Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.