Thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?
09:07 21/05/2018
Thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự, Quy định của pháp luật về thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự đối với bản án, quyết định ...
- Thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào?
- Thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự
- Hỏi đáp luật hình sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự
Kiến thức của bạn:
Thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự được quy định như thế nào trong BLTTHS năm 2015.
Kiến thức của Luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Phòng tư vấn luật qua email- Luật Toàn Quốc. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
Nội dung tư vấn về thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự
1. Tái thẩm trong tố tụng hình sự là gì?
Tái thẩm trong tố tụng hình sự là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.
Từ khái niệm này có thể rút ra một số đặc biệt cơ bản về thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự như sau:
- Tái thẩm không là một cấp xét xử như sơ thẩm, phúc thẩm mà là thủ tục “xét lại” bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.
- Đối tượng "xét lại" là bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
- Ở thủ tục tái thẩm không đặt ra quyền kháng cáo của người tham gia tố tụng mà chỉ có quyền kháng nghị. Do đó, người tham gia tố tụng chỉ có quyền khiếu nại đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị chứ không có quyền kháng cáo.
2. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự
Theo quy định tại Điều 398 BLTTHS năm 2015, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:
Thứ nhất, có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;
Ví dụ: Lời khai của người làm chứng không đúng sự thật dẫn đến việc truy tố, xét xử oan người vô tội. Kết luận giám định, kết luận định giá tài sản không đúng sự thật khiến việc hành vi của người nào đó không cấu thành tội phạm nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn dựa vào đó để truy cứu trách nhiệm hình sự không đúng với người đó.
Thứ hai, có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;
Ví dụ: Lời nhận tội thay của người bị buộc tội cho một người khác mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hôi thẩm do không biết được nên đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan cho người đó và bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
Ví dụ: Trong vụ án giết người, vật chứng của vụ án là con dao thái dài 12cm x 17cm. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, do không tìm thấy vật chứng này, cơ quan điều tra đã mua một con dao thái có hình dáng, kích cỡ tương tự con dao là vật chứng của vụ án.
Thứ tư, những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án. [caption id="attachment_91234" align="aligncenter" width="450"] Thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự[/caption]
3. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự
Theo quy định tại Điều 400 BLTTHS năm 2015, những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự:
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực;
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
4. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự
Theo quy định tại điều 401 BLTTHS năm 2015, thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự được quy định như sau:
Thứ nhất, tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.
Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và điều kiện để được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
"2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ."
Thứ hai, tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ
Thứ ba, việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Cụ thể: Theo quy định tại điều 355 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm về dân sự là 01 năm, kể từ ngày có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo cái bài viết sau:
- Quy định của pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự
- Quy định về hoãn phiên toà trong các vụ án hình sự và thời hạn hoãn phiên toà
Để được tư vấn chi tiết về thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự, quý khách vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự: 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành ơn