Hình thức bán hàng xách tay có vi phạm pháp luật không?
10:17 19/03/2018
Hình thức bán hàng xách tay bị xử lí hành chính khi giá trị hàng hóa nhập lậu từ 1 triệu đến 100 triệu đồng và nặng hơn sẽ bị xử lí hình sự về tội buôn lậu
- Hình thức bán hàng xách tay có vi phạm pháp luật không?
- Bán hàng xách tay
- Hỏi đáp luật hình sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Bán hàng xách tay
Kiến thức cho bạn:
Bán hàng xách tay
Kiến thức của Luật sư:
Căn cứ pháp luật:
- Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2017
- Nghị định 08/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
- Nghị định 185/2013/ NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo về quyền lợi người tiêu dùng.
Nội dung tư vấn: Bán hàng xách tay
1. Hàng xách tay là gì?
Hàng xách tay là các loại mặt hàng hóa được mang từ nước ngoài về Việt Nam qua đường xách tay như: người thân ở nước ngoài, đi du lịch nước ngoài xách tay như một loại hành lí và mang về, nhân viên hàng không mua hàng ở nước sở tại mang về, vài cá nhân hoặc công ty đứng ra làm dịch vụ mua hàng và chuyển về Việt Nam v.v...
2. Bán hàng xách tay có vi phạm pháp luật không?
Bán hàng xách tay là một hình thức kinh doanh hợp pháp và không trái pháp luật khi hàng hóa kinh doanh có đầy đủ những điều kiện mà pháp luật quy định. Song, trong trường hợp không đủ điều kiện thì hình thức kinh doanh này sẽ vi phạm pháp luật.
2.1 Trường hợp bán hàng xách tay không vi phạm pháp luật
Bán hàng xách tay không vi phạm pháp luật nếu nó đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 59 Nghị định 08/2015/ NĐ-CP như sau:
- Hàng hóa đó đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lí của người xuất, nhập cảnh, được quy định tại Điều 59, Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.
- Hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
- Hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lí hóa đơn.
2.2 Trường hợp bán hàng xách tay vi phạm pháp luật
Bán hàng xách tay vi phạm pháp luật nếu nó đáp ứng các điều kiện được quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/ NĐ-CP như sau:
- Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
3. Xử lý hành vi bán hàng xách tay vi phạm pháp luật
Trường hợp bán hàng xách tay vi phạm pháp luật tùy thuộc mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nội dung cụ thể được quy định như sau:
3.1. Xử lý hành chính
Theo quy định tại Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định: những hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức giá trị hàng hóa từ dưới 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng sẽ bị xử phạt hành chính bằng các biện pháp: Cảnh cáo hoặc phạt tiền và các hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
3.2. Xử lý hình sự
Tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội buôn lậu như sau:
a. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
b. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
c. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng
- Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
d. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên
- Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
đ. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Kết luận: Như vậy, không phải mọi hành vi bán hàng xách tay đều là vi phạm pháp luật, chỉ khi hàng hóa được đem đi trao đổi là hàng hóa nhập lậu thì khi ấy mới cấu thành hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính khi giá trị hàng hóa từ dưới 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Và nặng hơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu như đã nêu ở trên.
Bài viết tham khảo:
- Bán hàng online không rõ nguồn gốc bị xử phạt như thế nào?
- Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì bán hàng giả trên facebook có bị đi tù hay không?
Để được tư vấn vấn chi tiết về bán hàng xách tay có vi phạm pháp luật không?, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hình sự 24/7: 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất. Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.