Quy định của bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng
00:43 04/10/2023
Quy định của bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng...vượt quá phòng vệ chính đáng được thực hiện như thế nào..căn cứ để đánh giá phòng vệ chính đáng
- Quy định của bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng
- Quy định của bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng
- Hỏi đáp luật hình sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
Bạn đang tìm hiểu các quy định của bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng như: Phòng vệ chính đáng là gì? Điều kiện để được coi là phòng vệ chính đáng; thế nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?… Hãy cùng Luật Toàn Quốc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Phòng vệ chính đáng là gì?
Điều 22 bộ luật hình sự 2015 khái niệm như sau: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”
Phòng vệ chính đáng là quyền của công dân nhưng không phải là nghĩa vụ pháp lý. Công dân có thể sử dụng hoặc không sử dụng quyền đó vì những lí do khác nhau. Đối với những người có chức vụ, có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của Nhà nước hoặc của nhân dân thì đây là nghĩa vụ pháp lý. Luật hình sự Việt Nam khẳng định hành vi trong phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm vì nó phù hợp với lợi ích của xã hội, hỗ trợ Nhà nước duy trì trật tự xã hội, chống lại những hành vi xâm hại các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Với chế định này, Nhà nước cho phép công dân được bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác hay lợi ích của toàn xã hội. Tuy nhiên, phòng vệ chính đáng không có nghĩa là được quyền tự xử lí, vì quyền xử lí các hành vi trái pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Vì vậy, phòng vệ chính đáng cũng có những giới hạn nhất định; chỉ được coi là phòng vệ chính đáng nếu như nó có các điều kiện thể hiện sự phòng vệ là “chính đáng” phù hợp với lợi ích của xã hội.
2. Điều kiện của phòng vệ chính đáng
Từ định nghĩa về phòng vệ chính đáng, chúng ta cùng phân tích điều kiện để coi một hành vi là phòng vệ chính đáng như sau:
- Cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là sự tấn công đang hiện hữu, xâm phạm lợi ích của người phòng vệ, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể, quyền hoặc lợi ích chính đáng của công dân. Như vậy chỉ có thể nói đến phòng vệ chính đáng khi có hành vi của con người đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội; xâm phạm tới các quyền và lợi ích được được bảo vệ. Việc những quyền và lợi ích này bị xâm hại có thể thông qua hành vi là các hành động hoặc không hành động của chủ thể. Hành vi tấn công ngay lập tức (ví dụ như cướp giật....) hoặc hành vi tấn công chưa xảy ra nhưng đã có những biểu hiện đe dọa sự tấn công sẽ xảy ra ngay tức khắc thì cũng cho phép được quyền phòng vệ. Tuy nhiên, cần phải xem xét nếu như việc phòng vệ là quá muộn hoặc quá sớm thì không còn là phòng vệ chính đáng như quy định của luật.
- Nội dung và phạm vi của quyền phòng vệ chính đáng: khi đã có cơ sở cho phép phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả trong những trường hợp có biện pháp khác tránh được sự tấn công. Sự chống trả của người phòng vệ phải nhằm vào người tấn công, vào chính người đang gây ra sự nguy hiểm cho xã hội, vì có như vậy mới ngăn chặn được, đạt được mục đích của phòng vệ chính đáng là ngăn chặn một cách tích cực sự tấn công, hạn chế thiệt hại do sự tấn công đó đe dọa gây ra. Sự chống trả của người phòng vệ là sự chống trả cần thiết. Điều này có nghĩa biện pháp chống trả của người phòng vệ (phương tiện, phương pháp, thiệt hại) đặt trong hoàn cảnh cụ thể phải là những biện pháp cần thiết để có thể ngăn chặn được sự tấn công, hạn chế những thiệt hại có thể bị người tấn công gây ra.
=> Có thể tóm gọn lại như sau: Phòng vệ chính đáng đòi hỏi biện pháp chống trả nói chung (trong đó bao gồm có phương tiện, phương pháp và thiệt hại) là biện pháp cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể. Để đánh giá sự phù hợp, cần thiết này cần phải dựa vào những căn cứ cơ bản sau:
- Tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại
- Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra
- Sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công
- Tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng
- Sức mạnh và khả năng phòng vệ của người phòng vệ đặt trong hoàn cảnh cụ thể
- Trên thực tế để đánh giá được là một việc vô cùng phức tạp. Điều đó đối với người phòng vệ cũng không phải là điều đơn giản, mà người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.
3. Thế nào là vượt quá hạn phòng vệ chính đáng?
Khoản 2, điều 22 bộ luật hình sự quy định về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi: “2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Đây là những trường hợp mà người phòng vệ đã dùng những phương tiện, công cụ, phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó. Ví dụ: Anh A bị anh B dùng tay đấm vào mặt, thay vì chạy trốn hoặc né đòn anh A đã cầm gậy đánh lại anh B nhiều lần và khiến anh B phải nhập viện trong tình trạng thương tích nặng.
Người phòng vệ trong những trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có lỗi đối với việc vượt quá của mình. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự không như những trường hợp bình thường. Điều 51 bộ luật hình sự quy định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bài viết liên quan:
- Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo BLHS 2015
- Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
- Tội trộm cắp tài sản
- Tội cướp giật tài sản
Chuyên viên: Văn Chung