Chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản
16:11 24/11/2017
Chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản. Các tội xâm phạm quyền sở hữu được Bộ luật hình sự 1999 quy định tại Chương XIV...
- Chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản
- Tội cướp tài sản
- Hỏi đáp luật hình sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
CHUYỂN HÓA TỪ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN SANG TỘI CƯỚP TÀI SẢN
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thực tiễn xét xử, khi Tòa án đưa ra một bản án cho một vụ án cụ thể thì có rất nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi: Tòa án đưa ra bản án như vậy là có đúng người, đúng tội và đúng pháp luật? Để có thể xác định một người là có tội hay không có tội, phạm tội gì và mức hình phạt dành cho họ là như thế nào thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền xét xử phải xem xét một cách kỹ lưỡng và chuẩn xác các tình tiết và diễn biến của vụ việc. Nhất là vấn đề định tội danh cho các trường hợp phạm tội xâm phạm sở hữu, vì rất dễ có sự nhầm lẫn giữa các tội danh với nhau như tội trộm cắp tài sản và tội cướp tài sản vì có sự chuyển hóa tội phạm. Do đó, để làm rõ hơn cách định tội danh và khung hình phạt dành cho các tội xâm phạm sở hữu nói riêng và các tội phạm được quy định trong BLHS 1999 nói chung, em xin đi vào phân tích một tình huống cụ thể như sau:
TÌNH HUỐNG
P là thợ sơn được thuê hoàn thiện nhà riêng cho một gia đình. Trong thời gian làm việc P để ý thấy gia đình đối diện không làm lưới bảo vệ ban công, trong khi khoảng cách giữa hai nhà khá gần. Một đêm thấy nhà đối diện quên đóng cửa ban công P đã trèo sang và vào nhà lấy một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền. Trong lúc lục tìm thêm tài sản, P gây ra tiếng động và bị G (chủ nhà) phát hiện. G giữ lại chiếc túi, P đã dùng tay đấm rất mạnh vào mặt làm G choáng váng, ngã xuống sàn nhà. P sau đó tẩu thoát cùng chiếc túi đựng tiền và chiếc điện thoại di động. Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 20 triệu đồng. G sau đó được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu và bị tổn hại sức khỏe 35%.
Câu hỏi:
- Hành vi của P cấu thành tội gì và khung hình phạt áp dụng với P? Tại sao?
- Giả sử, G do bị ngã xuống đập đầu vào nền gạch nên đã chết thì tội danh của P có thay đổi không? Tại sao?
- Giả định trường hợp, P chưa lấy được túi đựng tiền, khi bị phát hiện đã có hành vi xô ngã G và bỏ chạy. G bị ngã xuống cầu thang, đập đầu vào lan can cầu thang gây thương tích 25%, thì tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với P được xác định thế nào? Tại sao?
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Định tội danh và khung hình phạt đối với P
Trả lời: P phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật hình sự (BLHS) 1999 và khung hình phạt áp dụng đối với P trong trường hợp này là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm theo điểm a, khoản 3, Điều 133 BLHS 1999. Cấu thành tội cướp tài sản như sau:
1.1. Dấu hiệu về chủ thể của tội cướp tài sản
Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS), đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể.
Thứ nhất, tình huống trên không nói P là người tâm thần hoặc mắc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Do đó, ta có thể khẳng định P có đủ năng lực chịu TNHS.
Thứ hai, cũng không biết chính xác là P bao nhiêu tuổi mà tình huống chỉ nêu: “P là thợ sơn được thuê hoàn thiện nhà riêng cho một gia đình”. Do vậy, ta cần xác định rõ độ tuổi của P thành ba trường hợp: là người dưới 14 tuổi, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi trở lên. Xét trường hợp: P là người dưới 14 tuổi.
Theo Điều 12 BLHS 1999 quy định tuổi chịu TNHS là từ đủ 14 tuổi trở lên, nên trường hợp này P sẽ không bị truy cứu TNHS. Trên thực tế thì độ tuổi dưới 14 đi làm thợ sơn là rất ít và hầu như là không có, bởi tính chất nguy hiểm của công việc, cần có những kỹ thuật, tay nghề và tâm lý vững vàng mới có thể làm được công việc này. Hơn nữa, theo khoản 1, Điều 3, Bộ Luật lao động 2010 quy định: “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”.
=> Do đó, người dưới 14 tuổi không phải là người lao động và cũng không phù hợp với dữ liệu đầu bài đã cho “P là thợ sơn” nên ta loại trừ trường hợp P được thuê để sơn hoàn thiện nhà riêng cho một gia đình khi đang là người dưới 14 tuổi. Tình huống này ta sẽ xét P là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi trở lên.
1.2. Dấu hiệu về mặt khách thể của tội cướp tài sản.
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội (QHXH) được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Theo luật hình sự Việt Nam 1999, những QHXH được coi là khách thể bảo vệ của luật hình sự là những QHXH được xác định tại Điều 8 BLHS. Hành vi bị coi là tội phạm là hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho một trong những QHXH đã được xác định đó.
Xét tình huống nêu trên thì khách thể bị P xâm hại ở đây bao gồm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Theo diễn biến của vụ án, P đã lấy được một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền tổng giá trị là 20 triệu đồng – quan hệ tài sản và P đã dùng tay đấm rất mạnh vào mặt làm G (chủ nhà) choáng váng, ngã xuống sàn nhà gây tổn hại sức khỏe 35% – quan hệ nhân thân. Thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà P xâm phạm đến quan hệ tài sản. Vì P đã dùng vũ lực là đấm vào mặt G (đang giữ lại chiếc túi) khiến cho G choáng váng, ngã xuống sàn nhà thì P sau đó mới tẩu thoát được cùng chiếc túi đựng tiền và chiếc điện thoại di động, nếu không có thể là P đã không lấy được tài sản hoặc là đã bị bắt. Do đó, ta cũng cần lưu ý đến trình tự xâm phạm ở đây khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản (tiền và chiếc điện thoại di động).
Phân tích đến đây sẽ rất nhiều người cho rằng: P đã xâm phạm đến quan hệ tài sản trước xong mới xâm phạm đến quan hệ nhân thân khi mà bị G phát hiện và giữ lại chiếc túi, vì ngay từ đầu P đã lấy được tài sản và nếu như P không tìm thêm đồ thì chắc gì G đã phát hiện ra việc làm của P. Quan điểm này là hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ, việc xét xem khách thể nào bị xâm hại trước là phải xem xét tổng thể diễn biến của vụ án, tức là xét đến dữ liệu cuối cùng mà vụ án đã nêu và điều đó sẽ quyết định đến kết quả cuối cùng của bản án.
1.3. Dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội cướp tài sản.
Mặt chủ quan của tội phạm là hoạt động tâm lý bên trong của tội phạm bao gồm lỗi, mục đích và động cơ.
Lỗi của P trong tình huống trên có thể thấy rõ đó là lỗi cố ý trực tiếp vì P hoàn toàn nhận thức rõ hành vi lấy tiền, điện thoại và đấm vào mặt G làm choáng váng là nguy hiểm, thấy trước được hậu quả của hành vi đó là gây ra tổn thất tài sản và tinh thần, sức khỏe của G, và vì biết rõ là hành vi đấm vào mặt G của mình sẽ làm G choáng váng, ngã xuống đất thì sẽ đạt được mục đích chiếm đoạt được tài sản - lấy được tiền, điện thoại để tẩu thoát. Do đó, ta có thể thấy P đã mong muốn hậu quả xảy ra nên lỗi của P là lỗi cố ý trực tiếp.
1.4. Dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội cướp tài sản.
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.
Theo tình tiết của vụ án thì P đã có hành vi lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản là gia đình G đã không làm lưới bảo vệ ban công, không trông giữ cẩn thận – quên không đóng cửa ban công, P để ý nên đã trèo sang và vào nhà lấy một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền. Nếu chỉ dừng ở đây, dựa vào hành vi và những dấu hiệu của tội phạm được phân tích phía trên ta có thể kết luận P phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS. Tuy nhiên, ở đây ta cần chú ý đến diễn biến của vụ án là khi P lục tìm thêm tài sản khác thì bị G phát hiện và giữ lại chiếc túi, P đã dùng tay đấm rất mạnh vào mặt làm G choáng váng, ngã xuống sàn nhà. Như vậy, trong tình huống này P đã có hành vi dùng vũ lực hay hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản, vì lúc đó G đang giữ được túi tiền. Hành vi dùng vũ lực của P đã làm cho G bị thương tích, bị tổn hại đến sức khỏe 35% thì lúc này việc làm của P lại thỏa mãn các dấu hiệu của tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS 1999: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”.
Theo quan niệm truyền thống và thực tiễn xét xử thì được coi là chuyển hoá từ tội phạm khác sang tội cướp tài sản nếu người phạm tội đã có tài sản trong tay, bị chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản giằng giật lại tài sản mà người phạm tội cố tình dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc để giữ bằng được tài sản đã chiếm đoạt[1]. Được quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001: 6.2. “Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.
Như đã phân tích ở trên thì P đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản và là trường hợp chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản (Điều 138) thành tội cướp tài sản (Điều 133).
- Định khung hình phạt trong trường hợp phạm tội cướp tài sản.
P phạm tội cướp tài sản là tội có CTTP hình thức, tức là hậu quả của hành vi không phải là dấu hiệu bắt buộc khi định tội danh. Trong trường hợp này, hậu quả G bị tổn hại sức khỏe 35% sẽ là tình tiết tăng nặng định khung của tội phạm được quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 133 BLHS từ mười hai năm đến hai mươi năm.
Lúc đầu ta xét trường hợp tuổi của P là từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi trở lên để xác định rõ việc có truy cứu TNHS đối với P hay không, tuy nhiên tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, mà theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên P cũng không được miễn TNHS dù đang từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.
Từ những phân tích trên ta có thể khẳng định P phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật hình sự (BLHS) 1999 và khung hình phạt áp dụng đối với P trong trường hợp này là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm theo điểm a, khoản 3, Điều 133 BLHS 1999. [caption id="attachment_62127" align="aligncenter" width="405"] Tội cướp tài sản[/caption]
2. G do bị ngã xuống đập đầu vào nền gạch nên đã chết thì tội danh của P có thay đổi không? Tại sao?
Trả lời: Tội danh của P không thay đổi vẫn là phạm tội cướp tài sản.
Nếu như ở trường hợp trên thì hành vi đấm vào mặt G gây hậu quả là tổn hại sức khỏe 35% thì ở trường hợp này hậu quả xảy ra là G chết. Như vậy, mối quan hệ nhân quả đã có sự khác biệt rõ rệt. Đồng thời, mặt chủ quan của tội phạm cũng thay đổi, P đã có lỗi cố ý trực tiếp đối với xâm phạm quan hệ tài sản tuy nhiên lại có lỗi vô ý đối với hậu quả là gây chết người, trường hợp làm chết người trong tình huống này cần phân biệt với trường hợp giết người để cướp tài sản. Làm chết người là trước khi thực hiện hành vi cướp tài sản, P đã không có ý thức là giết người, hành vi dùng vũ lực của P chưa gây ra cái chết cho người bị tấn công là G, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi cướp tài sản hoặc sau khi đã cướp được tài sản, P đã bỏ mặc cho hậu quả xảy ra nên G bị chết.
Do đó, trường hợp này P không bị truy cứu TNHS vì tội giết người theo Điều 93 mà vẫn bị truy cứu TNHS về tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS 1999 nhưng bị truy cứu TNHS ở mức nặng hơn theo CTTP tăng nặng quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 133 BLHS: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người”.
Ta có thể thấy, thay đổi tình tiết như trên không làm thay đổi tội danh của P, P vẫn phạm tội cướp tài sản như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, nếu chỉ cần thay đổi tình tiết thành “P lẻn vào nhà lấy được tài sản nhưng do bị G phát hiện đã vứt tài sản lại định bỏ trốn thì bị G đuổi bắt được, P lúc này đã đấm mạnh vào mặt G để tẩu thoát gây tổn hại sức khỏe 35%” thì lúc này tội danh và khung hình phạt đối P sẽ thay đổi hoàn toàn. Trường hợp này P lại phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 138) với tình tiết tăng nặng là hành hung để tẩu thoát theo điểm đ, khoản 2, Điều 138 BLHS 1999 chứ không phải là tội cướp tài sản. Như vậy, tính chất và cách xử lý đã có sự thay đổi cần được lưu ý.
3. Giả định: P chưa lấy được túi đựng tiền, khi bị phát hiện đã có hành vi xô ngã G và bỏ chạy. G bị ngã xuống cầu thang, đập đầu vào lan can cầu thang gây thương tích 25%, thì tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với P được xác định thế nào? Tại sao?
Trả lời: P phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 BLHS 1999 và khung hình phạt áp dụng đối với P là bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm theo khoản 1, Điều 104 BLHS 1999.
Có quan điểm cho rằng: “P phạm trộm cắp tài sản với tình tiết tăng nặng hành hung để tẩu thoát”. Quan điểm này là không đúng, do tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 BLHS là tội có CTTP vật chất, vì vậy đặc điểm của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết.
Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều trường hợp dễ nhầm lẫn với các tội phạm khác, có khi chúng ta xác định hành vi đó là tội trộm cắp, nhưng lại không phải và ngược lại. Nếu chỉ dựa vào hành vi khách quan là P đã lén lút vào nhà từ trên ban công khi chưa lấy được tài sản và bị phát hiện mà đã kết luận P phạm tội trộm cắp là hoàn toàn thiếu cơ sở và có thể dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Bởi lẽ, trên thực tế hành vi lén lút lẻn vào nhà của P có thể là để giết người hoặc hiếp dâm…
Hơn nữa, khách thể của tội trộm cắp tài sản cũng tương tự như tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội trộm cắp tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu TNHS về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Để xác định tội danh và khung hình phạt dành cho P trong trường hợp này ta xét trên hai khía cạnh là mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm như sau:
Về mặt chủ quan, hành vi của P được thực hiện do cố ý, tức là P nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của G, mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ xảy ra với G chứ không mong muốn G chết.
Về mặt khách quan, P có hành vi tác động đến thân thể của G đó là đã có hành vi xô ngã G làm cho G bị ngã xuống cầu thang, đập đầu vào lan can cầu thang gây thương tích 25% - đã có hậu quả xảy ra.
Như vậy, từ những phân tích ở trên ta có thể khẳng định P phạm tội tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS, thì người bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khỏe phải có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì người phạm tội mới bị truy cứu TNHS. Và tỷ lệ thương tích mà P gây ra cho G là 25% thì khung hình phạt áp dụng đối với P có thể là theo khoản 1, hoặc khoản 2, Điều 104 BLHS. Tuy nhiên, tình hướng này không nói P là người thuộc một trong các trường hợp từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 104 vì thế P sẽ không bị áp dụng hình phạt theo khoản 2 mà sẽ bị áp dụng theo khoản 1. Do đó, khung hình phạt áp dụng đối với P trong trường hợp này theo khoản 1, Điều 104 BLHS 1999 là bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Việc định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với tội phạm là việc đòi hỏi phải thật chính xác, cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng bởi các tội danh cùng xâm hại đến một khác thể là có sự đan xen lẫn nhau, và có thể gây ra sự nhầm lẫn nếu như không được xác định chính xác các tình tiết, nhất là đối với các tội xâm phạm về sở hữu.
Tài liệu tham khảo:
- Bình luận khoa học hình sự 1999, Đinh Văn Quế - Thạc sĩ Luật học TAND tối cao.
Một số bài viết tham khảo:
- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản
- Tội cướp tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành
Để được tư vấn chi tiết về chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật hình sự 24/7: 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn./.