Các hình phạt đối với người phạm tội trong bộ luật hình sự
09:49 12/10/2023
Các hình phạt đối với người phạm tội trong bộ luật hình sự. Các hình phạt chính và hình phạt bổ sung theo quy định của bộ luật hình sự.
- Các hình phạt đối với người phạm tội trong bộ luật hình sự
- hình phạt đối với người phạm tội
- Hỏi đáp luật hình sự
- 19006500
- Tác giả:
- Đánh giá bài viết
1. Hình phạt là gì? Các đặc điểm của hình phạt theo pháp luật Việt Nam.
1.1. Khái niệm hình phạt
Khái niệm 'hình phạt" được nêu ra tại Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Điều 30: Khái niệm hình phạt
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
1.2. Đặc điểm của hình phạt
Từ khái niệm có thể thấy hình phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam có một số đặc điểm như sau:
• Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước: Tính nghiêm khắc của hình phạt thể hiện ở chỗ người bị kết án có thể bị tước bỏ hoặc bị hạn chế quyền tự do, quyền về tài sản, về chính trị thậm chí cả quyền sống. Với pháp nhân thương mại, tính nghiêm khắc của hình phạt thể hiện ở việc pháp nhân đó bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc trong trường hợp đặc biệt còn có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh đó, hình phạt cũng để lại hậu quả pháp lí là án tích cho người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án trong thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật.
• Hình phạt được luật hình sự quy định và do Tòa án áp dụng:
- Hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam ở cả phần chung và phần các tội phạm. Ở phần chung, Bộ luật Hình sự quy định các vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến hình phạt. Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự quy định các loại hình phạt và mức hình phạt đối với từng tội phạm cụ thể. Theo nguyên tắc pháp chế, không được áp dụng hình phạt đối với những hành vi không được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm và tất nhiên cũng không được áp dụng một loại hình phạt nào đó nếu hình phạt ấy không được quy định trong hệ thống hình phạt.
- Căn cứ theo Điều 201 Hiến pháp 2013, Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 Tòa án có quyền "nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" tuyên một người có tội hay không có tội và có áp dụng hình phạt hay không. Ngoài Tòa án, không một cơ quan nào khác có quyền quyết định hình phạt.
• Hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội: Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam là trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Dựa trên nguyên tắc này có thể khẳng định hình phạt không thể được áp dụng đối với các thành viên trong gia đình cũng như những người thân khác của người phạm tội, thậm chí cả trong trường hợp người phạm tội trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Cũng theo nguyên tắc này, luật hình sự Việt Nam không cho phép việc chấp hành hình phạt thay cho người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội cho dù sự chấp hành thay này là hoàn toàn tự nguyện.
2. Phân loại các hình phạt đối với người phạm tội trong Bộ luật hình sự 2015.
Căn cứ theo Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt đối với người phạm tội gồm hai loại là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, cụ thể như sau:
• Các hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.
• Các hình phạt bổ sung bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính); trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính).
3. Nội dung cụ thể các hình phạt chính đối với người phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015.
3.1. Cảnh cáo.
Điều 34 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Điều 34: Cảnh cáo
Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Cảnh cáo là hình phạt chính nhẹ nhất trong hệ thống hình phạt, thể hiện sự lên án công khai của Nhà nước đối với người phạm tội về hành vi phạm tội của họ. Người bị áp dụng hành vi cảnh cáo phải là người phạm tội ít nghiêm trọng và phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong thực tế, việc lựa chọn khả năng miễn hình phạt hay áp dụng cảnh cáo đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không phải trong trường hợp nào cũng dễ dàng. Ranh giới giữa hai khả năng xử lý hoặc miễn hình phạt không lớn, rất khó để phân biệt, tuy nhiên, hậu quả pháp lí của hai trường hợp trên lại hoàn toàn khác nhau.
3.2. Phạt tiền.
Điều 35 Bộ luật hình sự 2015 quy định:
Điều 35: Phạt tiền
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;
b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.
4. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, hình phạt phạt tiền có một số đặc điểm sau:
• Phạt tiền là hình phạt tước của người phạm tội khoản tiền nhất định sung công quỹ Nhà nước.
• Phạt tiền được áp dụng đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Những tội khác ở đây có thể là một số tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, tội xâm phạm quyền sở hữu, ...
• Mức phạt tiền khi là hình phạt chính sẽ có hai cách quy định. Cách thứ nhất là, quy định mức phạt tiền với mức tối thiểu và tối đa. Cách thứ hai là, quy định mức phạt tiền theo bội số tiền trốn thuế hoặc tiền lãi.
3.3. Cải tạo không giam giữ.
Điều 36 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về cải tạo không giam giữ như sau:
Điều 36: Cải tạo không giam giữ
1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
4. Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.
Từ quy định trên có thể thấy các căn cứ để Tòa án ra quyết định áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ bao gồm:
• Áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng.
• Có nơi làm việc ổn định hoặc nơi thường trú rõ ràng.
• Xét thấy không cần thiết phải cách li người phạm tội khỏi xã hội
• Những yếu tố để đưa đến hiệu quả của việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ: sự giám sát của cơ quan, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương, sự phối hợp của gia đình với các cơ quan, tổ chức nói trên trong việc giáo dục và sự tự cải tạo của người bị kết án thông qua các hoạt động học tập, lao động, sinh hoạt tại địa phương.
3.4. Trục xuất
Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt trục xuất như sau:
Điều 37: Trục xuất
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Người bị trục xuất có nghĩa vụ: rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đúng thời hạn được ghi nhận trong quyết định thi hành án của tòa án, nếu không thuộc trường hợp được kéo dài thời hạn; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lí, giám sát của cơ quan quản lí xuất nhập cảnh; không được tự ý rời khỏi nơi quản lí, giám sát do cơ quan quản lí xuất nhập cảnh chỉ định bằng văn bản; nộp các giấy tờ cần thiết để thi hành án theo yêu cầu của cơ quan quản lí xuất nhập cảnh; nhanh chóng chấp hành các nghĩa vụ khác và hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đúng thời hạn; tự chịu chi phí về phương tiện xuất cảnh.
Người bị trục xuất có thể được kéo dài thời hạn rời khỏi lãnh thổ Việt Nam nếu thuộc một trong các trường hợp: đang ốm nặng, đang phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể đi lại được và được cơ quan y tế hoặc bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên chứng nhận; phải chấp hành các hình phạt khác hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam; có lí do chính đáng khác cản trở việc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam được thủ trưởng cơ quan quản lí xuất nhập cảnh xác nhận.
3.5. Tù có thời hạn.
Hình phạt tù có thời hạn được quy định tại Điều 38 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
Điều 38: Tù có thời hạn.
1. Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.
Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm.
Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.
2. Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng.
Sự hạn chế tự do của người bị kết án tù có thời hạn là nội dung pháp lí chủ yếu của loại hình phạt này. Theo Điều 38 Bộ luật Hình sự, tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 3 tháng, mức tối đa là 20 năm. Trong trường hợp phạm nhiều tội, mức tối đa của tù có thời hạn là 30 năm (điều 55 Bộ luật Hình sự 2015).
Người phạm tội bị tòa án tuyên hình phạt tù có thời hạn, trước đó có thể có thời gian bị tạm giữ, tạm giam. Thời gian bị tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù.
3.6. Tù chung thân.
Hình phạt tù chung thân được quy định tại Điều 39 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Điều 39: Tù chung thân
Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Trong hệ thống hình phạt của Việt Nam, tù chung thân là hình phạt rất nghiêm khắc, chỉ nhẹ hơn hình phạt tử hình. Tù chung thân tước tự do của người bị kết án, cách li họ khỏi xã hội để giáo dục, cải tạo và phòng ngừa tội phạm. Đặc điểm trên của tù chung thân có nội dung giống như tù có thời hạn.
Về điều kiện áp dụng tù chung thân, điều 39 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức xử phạt tử hình thì tù chung thân. Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, tòa án phải dựa vào các căn cứ quyết định hình phạt (điều 50 Bộ luật Hình sự) để lựa chọn một trong 3 hình phạt: tử hình, chung thân, tù có thời hạn (ở mức cao) để áp dụng đối với người phạm tội. Với tính chất là hình phạt nặng hơn tù có thời hạn và nhẹ hơn hình phạt tử hình, tù chung thân tạo khả năng pháp lí cho việc thực hiện đường lối xử lí tội phạm được sát với thực tế phức tạp và đa dạng của tình hình tội phạm.
Do tính chất nghiêm khắc của hình phạt tù chung thân và xuất phát từ nguyên tắc xử lí người chưa thành niên phạm tội, luật hình sự nước ta không cho phép áp dụng tù chung thân đối với người chưa thành niên phạm tội.
3.7. Tử hình.
Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt tử hình như sau:
Điều 40: Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. Nhưng tử hình không phải là sự trả thù của Nhà nước mặc dù nó đã thể hiện tới mức tối đa khả năng trừng trị người phạm tội. Từ thực tiễn xét xử cho thấy, tử hình chỉ được áp dụng trong trường hợp phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…có ảnh hưởng xấu đến xã hội, bị dư luận xã hội kịch liệt lên án.
Người bị kết án tử hình có quyền xin ân giảm án. Trong trường hợp được ân giảm thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
Bài viết liên quan:
• Hướng dẫn soạn thảo đơn tố cáo mới nhất
• Tịch thu tang vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
• Bị coi là đồng phạm khi nào?
Trên đây là những quy định của pháp luật hiện hành liên quan vấn đề hình phạt trong Bộ luật Hình sự. Để được tư vấn chi tiết về các quy định liên quan đến vấn đề "Các hình phạt đối với người phạm tội trong Bộ luật Hình sự", khách hàng xin vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006500 để được hỗ trợ.
Luật Toàn Quốc xin chân thành cảm ơn!
Chuyên viên: Phạm Đắc Thơm